HÃY TỈNH THỨC

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014



                                    Sự hào phóng đích thực

Khi cơn bão ập đến khu thị trấn nhỏ ở gần nhà tôi, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Ngay sau đó, các báo địa phương đều đăng tải những câu chuyện thương tâm về một số gia đình chịu hậu quả nặng nề nhất từ cơn bão.
Ngày chủ nhật nọ, một bức ảnh đập vào mắt tôi. Một phụ nữ trẻ đang đứng trước căn nhà lưu động đã bị bão phá huỷ, vẻ đau khổ hằn trên gương mặt chị. Một cậu bé chừng bảy, tám tuổi gì đó đứng cạnh, ánh mắt cúi xuống. Nắm chặt váy người mẹ là một bé gái nhìn chằm chằm vào máy ảnh, đôi mắt em mở rộng đầy lo lắng và hoảng sợ.
Bài báo kèm theo bức ảnh đó rất gần gũi với từng thành viên trong gia đình tôi. Bằng sự cảm thông sâu sắc, tôi nhận thấy gia đình họ có nhiều điểm tương đồng với gia đình mình. Đây sẽ là dịp phù hợp để dạy các con tôi về việc cần phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn chúng. Tôi buộc bức ảnh của gia đình đó lên chiếc tủ lạnh trong nhà và bắt đầu giải thích về cảnh ngộ của họ với hai đứa con sinh đôi lên bảy là Brad và Brett và cô con gái ba tuổi Meghan.
“Chúng ta thì có quá nhiều trong khi những người nghèo khổ này thì chẳng có gì”, tôi nói. “Chúng ta sẽ chia sẻ với họ những gì ta có”.
Tôi lấy trên gác mái xuống ba chiếc hộp lớn và đặt trên sàn nhà phòng khách. Meghan đứng nhìn nghiêm nghị khi các anh và mẹ chất đầy một hộp các loại hàng hoá đóng hộp, các loại thực phẩm không bị hỏng, xà phòng và nhiều vật dụng tắm giặt đủ loại khác.
Lúc tôi phân loại quần áo của cả nhà, tôi khuyến khích các con xem qua đống đồ chơi của chúng để đem tặng những thứ chúng không thích nữa, Meghan im lặng quan sát khi các anh chất đống những đồ chơi đã bỏ xó từ lâu.
“Mẹ sẽ giúp con tìm thứ gì đó cho cô bạn gái đó khi mẹ làm xong việc này”, tôi nói.
Hai con trai tôi bỏ tất cả số đồ chơi chúng đã chọn để cho đi vào một chiếc hộp trong khi tôi bỏ đống quần áo vào hộp thứ ba. Lúc đó bé Meghan bước tới, ôm sát ngực Lucy, con búp bê nhồi bằng giẻ rách nó rất yêu quý đã rách mòn, phai màu. Con bé đứng trước hộp đựng đồ chơi, áp sát khuôn mặt tròn bé bỏng vào mặt Lucy, hôn con búp bê lần cuối sau đó nhẹ nhàng đặt nó lên trên các món đồ chơi khác.
“Ồ, con yêu. Con không phải đem tặng Lucy đâu. Con yêu nó thế cơ mà”.
Meghan nghiêm nghị gật đầu, đôi mắt ầng ậc nước:
“Lucy làm cho con vui mẹ à, thế nên có thể nó cũng sẽ khiến cô bé kia được hạnh phúc”.
Nghẹn ứ trong cổ họng, tôi lặng nhìn Meghan một lúc lâu, tự hỏi làm sao tôi có thể dạy các con trai tôi bài học như con bé đã dạy cho tôi. Vì tôi chợt nhận ra ai cũng có thể cho đi những thứ họ không còn cần tới nữa. Sự hào phóng thực sự là có thể cho đi những gì bạn yêu thích nhất.
Lòng nhân từ chân thực là khi một đứa trẻ lên ba đem tài sản quý giá của nó dù chỉ là một con búp bê đã sờn cũ tặng cho một cô bé không quen với hy vọng con búp bê sẽ đem lại cho cô bé đó nhiều niềm vui như đã từng đem lại cho nó. Tôi đã muốn dạy bảo con nhưng rốt cuộc lại được chính con dạy lại.
Hai đứa anh trai đứng nhìn, miệng há to kinh ngạc khi thấy cô em gái đặt con búp bê yêu thích nhất vào trong hộp. Không nói lời nào, Brad đứng lên, bước vào phòng, sau đó trở ra, mang theo một nhân vật siêu nhân nó rất thích. Thoáng chút ngần ngại, Brad cầm lấy món đồ chơi, nhìn sang Meghan rồi đặt nó vào hộp, cạnh chỗ Lucy.
Một nụ cười chậm rãi rộng mở trên khuôn mặt Brett, sau đó nó đứng dậy, hai mắt lấp lánh khi tìm ra một vài chiếc ô tô làm bằng hộp diêm vốn là niềm tự hào của nó.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy hai cậu con trai cũng đã nhận ra ý nghĩa trong cử chỉ của bé Meghan. Nén vào lòng những giọt nước mắt xúc động, tôi giang tay ôm chặt cả ba đứa.
Bắt chước đứa con bé bỏng, tôi bỏ chiếc áo khoác màu nâu đã cũ có cổ tay áo bị sờn khỏi thùng quần áo và thay vào đó là chiếc áo khoác màu xanh vừa mua tuần trước. Tôi hy vọng người phụ nữ trong bức ảnh cũng sẽ thích nó như tôi.
Cho đi những gì ta không cần nữa thật dễ dàng nhưng phải tự nguyện rời bỏ những gì ta yêu thích thì thật vô cùng khó khăn, phải không nào? Tuy nhiên tinh thần đích thực của hành động cho đi ấy chính là đem tặng với cả trái tim từ chính bạn.
(Sưu tầm)




Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013





Vinh danh thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013



        LỜI CUỐI CHO MẸ
                     Nghiệp duyên hiện khởi hình hài,
Mẹ con gắn kết tháng ngày thế gian,
Sá gì khổ cực muôn ngàn,
Nụ cười Mẹ nở vô vàn yêu thương.
Dãi dầu một nắng hai sương,
Mấy mươi năm viết thành chương Mẹ hiền…
Bây chừ Mẹ đã qui tiên,
Đêm thầm gọi Mẹ hai miền trống không!
Nhớ về Mẹ gợn sóng lòng,
Vô thường là lẽ mất, còn xưa nay…
Bóng hình Mẹ đó, con đây,
Tử sanh chia cách cỏ cây cũng buồn!
Dẫu cho con Mẹ đóng tuồng :
Nghiệp-duyên-nhân-quả trên đường hóa thân…
Mẹ ơi! Hồn Mẹ xa, gần?
Hãy nghe con dặn một lần cuối đây:
“Thế gian khổ ải đong đầy,
Sá chi một thoáng vui vầy mà mong,
Nương câu kinh kệ thong dong,
Mẹ về BẾN GIÁC cho lòng thảnh thơi..."

                                              14-11-Quí Tỵ
                                              (16-12-2013)



Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013



NHŨNG DÒNG CẢM XÚC KHI VĨNH BIỆT MẸ 

Chúng sanh ngụp lặn giữa dòng sông,
Duyên nghiệp diễn tuồng vai ảo mộng.
Màn khép đâu còn con với mẹ,
Đời trôi vẫn đó có rồi không !
Về đâu há biết hồn xuôi ngược?
Chốn đến nào hay ý dị đồng !
Tử biệt nghe chừng bao xúc động !
Vô thường rõ biết tự an lòng. 


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Phỏng vấn Thượng Đế
   
Có một lần tôi mơ thấy được phỏng vấn Thượng Đế.
- Mời vào. Thượng Đế nói. Con muốn phỏng vấn Ta phải không?
- Nếu Ngài có thời giờ, thưa Ngài. Tôi đáp.
Thượng Đế mỉm cười nói:
- Thời giờ của Ta là vô tận đủ để làm tất cả mọi việc. Con có điều gì thắc mắc muốn hỏi Ta đây?
- Thưa Ngài, điều gì về nhân loại làm cho Ngài kinh ngạc nhất?
Thượng Đế đáp:
- Đó là họ chán làm trẻ thơ, vội vã để trưởng thành, và rồi lại khao khát được trở về thời thơ ấu.
- Họ đánh mất sức khỏe của họ cho việc kiếm tiền rồi tiêu dùng tiền bạc để hồi phục sức khỏe.
- Họ nghĩ nhiều tới tương lai mà quên đi hiện tại, để rồi chẳng sống ở hiện tại mà cũng chẳng ở tương lai.
- Họ sống như là họ sẽ không bao giờ chết, và họ chết như là họ chưa từng được sống.
Thượng Đế nắm tay tôi, và chúng tôi im lặng trong một khoảng khắc. Sau đó tôi hỏi:
- Khi làm cha mẹ, Ngài có những lời khuyên gì về cuộc sống mà Ngài muốn con cái của Ngài học hỏi?
Với nụ cười nở trên môi Ngài trả lời:
- Hãy nhớ rằng không bao giờ có thể bắt ai đó phải yêu mình. Chỉ có thể tự làm cho mình trở nên đáng yêu thôi.
- Học để biết rằng những gì giá trị nhất trên cõi đời này không phải là của cải vật chất chúng ta sở hữu mà là trong cuộc sống của chúng ta có những ai.
- Học để biết rằng đừng nên so sánh bản thân chúng ta với người khác, vì tất cả mọi người sẽ được phán đoán riêng rẽ dựa trên nhân cách của chính họ.
- Học để biết rằng một người giàu có không phải là người có tất cả, mà chỉ là người cần tối thiểu mà thôi.
- Học để biết rằng chúng ta chỉ mất vài giây để khơi dậy vết đau trong lòng của những người khác, nhưng sẽ mất rất nhiều năm để hàn gắn.
- Học để biết tha thứ bằng cách thực hành hạnh khoan dung.
- Học để biết rằng có những người thương yêu chúng ta tha thiết, nhưng lại không biết làm cách nào để biểu lộ hay bày tỏ những cảm tình của họ.
- Học để biết rằng tiền bạc có thể mua được mọi thứ, nhưng không mua được hạnh phúc.
- Học để biết rằng hai người có thể cùng nhìn vào một vật nhưng lại thấy hoàn toàn khác nhau.
- Học để biết rằng tha thứ cho người khác là chưa đủ mà còn phải biết tự thứ tha cho mình.
Tôi ngồi đó trong một phút giây để hưởng thụ giờ khắc quý báu đó, rồi tiếp:
- Cám ơn thời giờ và mọi việc mà Ngài đã dành cho con.
Ngài đáp:
- Bất cứ giờ phút nào Ta cũng ở đây, các con chỉ cần gọi thì Ta sẽ lập tức trả lời.
(Sưu tầm)

  •  

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013



 Tâm sự kẻ đưa đò 

                  
                     Tôi-kẻ lái đò chở bao con chữ:
Chữ toán, chữ văn cả chữ nghĩa tình…
Nơi em đến chứa trăm nghìn háo hức,
Bến tôi đưa vượt tri thức hai bờ.
Mỗi chuyến đò ngang, em thêm một tuổi,
Nhìn tóc mình bụi phấn hóa thời gian…!
Cũng có lúc trên dặm đàng thiên lí,
Ta gặp nhau dường ý chẳng quen nhau,
Em có biết lòng tôi đau câm nín?
Bởi tình đời vẫn toan tính thiệt hơn.
Cũng có lúc chút nghĩa ơn còn đọng,
Trò ghé thăm, thầy cảm động ấm lòng…!
Bao thăng trầm trải qua theo nhịp sống
Mỗi chuyến đò ngang sang sông bỏ lại
Tiếng đưa đò vọng mãi với thời gian…
Cả hân hoan,lẫn bẽ bàng,
Tóc xanh nhìn lại ngỡ ngàng: bạc thưa!
Mai này về lại chốn xưa,
Trò ơi? Nghĩa cũ - Nắng mưa có còn ?
Đời trôi như thể dòng sông…
Bến xưa vẫn đọng chút lòng của tôi.
Nhìn em từng lớp vào đời,
                       Tôi nghe nở nụ trên môi tình người…                                                                             
                                                             
 Kỷ niệm Ngày Nhà Giáo VN-2013





Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Xin mời các bạn đọc thư giãn 5 phút :

Dấu phẩy

Phiên tòa xử vụ ly dị, tòa phán với ông chồng:
- Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ.
Ông chồng về nhà đưa bản án cho bà vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:
- Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ.

Có người hỏi nhà văn Oscar Wilde (1856 - 1900) sao ông thường có vẻ đăm chiêu. Nhà văn Anh này đáp: "Sáng nay tôi đã bỏ quên một dấu phẩy trong một bài thơ. Chiều nay tôi phải lấy lại".
Sai một phẩy, nhảy ngàn dặm

Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “Woman without her man is nothing”. Bọn con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (Đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả). Bọn con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (Phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).

Một phụ nữ Mỹ đi du lịch ở châu Âu gửi điện về cho chồng: “Có một chiếc xuyến đẹp mê hồn, giá 75 đô. Em mua được không?” Anh chồng lập tức trả lời: “No, price too high!” (Không, giá quá cao). Nhưng nhân viên điện tín mắc một sai lầm nhỏ đã bỏ qua dấu phẩy và thành: “No price too high” (không giá nào là quá cao). Được lời như cởi tấm lòng, cô vợ mua ngay chiếc xuyến. Khi về Mỹ, cô vợ khoe chiếc xuyến làm người chồng choáng váng. Người chồng đem vụ “bỏ sót dấu phẩy” này ra toà và thắng kiện. Từ đây, các hãng điện tín đòi hỏi nhân viên phải đánh vần dấu câu trong bức điện chứ không dùng ký hiệu. Nghĩa là phải viết “No comma price too high” (không phẩy giá cao quá).

Dấu phẩy đôi khi có giá đến nửa triệu đô. Năm 1870, trong danh sách các mặt hàng được miễn thuế vào Mỹ, lẽ ra là câu “Tropical fruit-plants for the purpose of propagation” (các cây nhiệt đới ăn trái nhằm mục đích nhân giống) thì người ta đánh nhầm dấu nối thành dấu phẩy, thành “Tropical fruit, plants for the purpose of propagation” (trái cây nhiệt đới, cây nhằm mục đích nhân giống). Thế là toàn bộ các loại trái cây nhiệt đới được nhập miễn thuế vào Mỹ. Tới khi người ta phát hiện ra sai sót chết người này, đã mất khoảng 500.000 USD tiền thuế không đòi lại được!

Được yêu, được sống nhờ dấu phẩy.
Ông bố nọ muốn lấy tên nhà thơ La Mã vĩ đại Virgile đặt cho con trai mình. Khốn nỗi, ông lúng túng viết nhầm thành Virgule, tiếng Pháp có nghĩa là dấu phẩy. Anh chàng lớn lên cũng khẳng khiu như dấu phẩy, không thành nhà thơ mà vào làm bưu điện. Anh thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm Sophie. Cô gái này lại yêu chàng trai không yêu cô. Bao nhiêu thư gửi đi mà không nhận được hồi đáp. Rồi một hôm cô quyết định ra bưu điện gửi bức điện (chứ không viết thư nữa) cho chàng trai nọ.
– Tôi muốn gửi một bức điện – cô buồn rầu nói, mắt không nhìn Virgule, nhân viên bưu điện.
– Cô vui lòng đọc nội dung – Virgule cầm bút cảm động lắp bắp nói.
– “Je t’aime, virgule, Je t’adore, virgule, Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi, point” (Em yêu anh, phẩy, em thương anh, phẩy, em muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em, chấm).
Anh chàng Virgule không cho virgule là dấu phẩy mà hiểu đó là tên mình: Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule… Anh chàng bưu điện yêu cầu cô gái nhắc lại. Sophie làm theo: “Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…” Mắt anh ta sáng lên. Sophie nhận ra anh chàng này đáng yêu làm sao. Và họ đến với nhau.

Còn đây là giai thoại về hoàng đế Alexandre Đệ Tam (Nga) (qua tiếng Anh): từ chối ân xá cho một phạm nhân, ông đọc “Pardon impossible, to be sent to Siberia” (Không thể ân xá, đày đi Siberia). Vợ ông là Dagmar (cháu gái vua Đan Mạch Christian IX) là một người vô tâm, nên đã đánh nhầm chỗ dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” (Ân xá, không thể đày đi Siberia). Thế là người tù này thoát tội. 
                                                                       
( Sưu tầm)