HÃY TỈNH THỨC

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014


duyên khởi tình Xuân
  

Trăm hoa khoe sắc đón Xuân sang,
Mộng thực đan xen cảnh rộn ràng…
Nẻo ý trêu tình trên phố thị,
Đường trần phô cảnh khắp quan san…
Từng nơi Xuân hát lời tha thiết,
Mỗi độ Xuân khoe dáng dịu dàng.
Xuân đến- Xuân đi- Xuân thật, giả,
Hay là duyên khởi giữa trần gian???
                                                   
                                                           Xuân Giáp Ngọ - 2014

              
                          Bài họa:         Xuân  tình      
X u â n  t ì n h


Xiêm áo mượt mà lỗng lẫy sang
Thong dong không buộc cũng không ràng
Đất trời hoan lạc đêm giao bái
Thiện ác dung hòa phút sẻ san.
Không rượu- Ô hay- sao chếnh choáng
Chưa thơ- ừ lạ- mãi dềnh dàng !
Dẫu em là mộng, là hư ảo
Ta vẫn Xuân tình - Mặc thế gian !

                                            Xuân Giáp Ngọ - 2014
                                         Dạ Vũ Nguyên Minh




Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014


TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC 

Có một anh nông dân đem bò ra chợ tỉnh bán. Suốt ngày không bán được phải dẫn bò về.

Đường xa mệt nhọc, con bò trở chứng không chịu đi. Có người gạ đổi con bò lấy con ngựa hồng tung tăng. Anh tưởng được ngựa sẽ thong thả dong cương ra về, nhưng con ngựa lạ chủ không chịu cho anh cưỡi và cũng trì kéo dằng dai. Một người khác dẫn con heo nái ngoan ngoãn đi qua, gạ đổi heo lấy ngựa, anh đổi liền.

Ðường xa mệt nhọc, con heo cũng nằm ì không chịu đi, bí quá, anh đổi heo lấy một con dê nái. Con dê càng cứng đầu khủng khiếp, anh vật lộn với dê phờ phạc.

Ðêm đã tối mịt mù, một hành khách đề nghị đổi dê lấy một con gà trống lớn. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, anh ôm con gà vào quán đổi lấy bữa cơm. Thế là một bữa ăn trả giá bằng một con bò. Ăn xong, anh nông phu thong thả ra về, vừa đi vừa ca hát khỏe khoắn.

Khi về đầu làng, có bạn quen hỏi đi đâu mà về khuya thế. Anh kể chuyện đi bán bò, và đổi con gà lấy bữa cơm. Người bạn hết hồn, khuyên anh khoan về nhà, mà bà vợ nổi cơn tam bành lên, không khéo vợ chồng xô xát gây ra án mạng. Anh nông dân bảo rằng, chắc vợ anh cũng thấy việc làm của anh là có lý. Người bạn ức quá, đánh cá một con bò, nếu chị vợ mà không gây gổ, thì anh nông dân sẽ được một con bò, còn ngược lại, phải mất lại một con bò khác.

Người bạn đi theo núp bên ngoài nghe cuộc đối thoại của vợ chồng anh nông dân.

Chị vợ hỏi, anh đã ăn gì chưa, đi đường có mệt lắm không, bò bán có được giá không? Anh đáp rằng, đã ăn rồi, con bò không bán được mà trên đường về nó không chịu đi nên đã đổi con bò lấy con ngựa rồi. Chị vợ nói rằng, có con ngựa cũng tốt, nó sẽ kéo xe, giúp mình di chuyển mau chóng hơn. Anh chồng cho biết con ngựa không chịu cho anh cưỡi nên đã đổi lấy con heo nái. Chị vợ cũng tán thành ngay và còn dự trù con heo mùa sau sẽ sinh ra một bầy heo khác, rất có lợi. Anh chồng cho biết thêm, con heo cũng trở chứng không chịu đi nên đổi lấy một con dê cái. Chị vợ tiếp liền, là con dê cũng rất có lợi, từ nay mỗi sáng gia đình sẽ có sữa dê mà uống. Anh chồng lắc đầu và cho biết đã đổi con dê ương ngạnh lấy con gà trống lớn. Chị vợ anh nông phu tiếp rằng, có con gà cũng tốt, mỗi sáng nghe nó gáy cũng vui tai. Anh chồng bảo là buổi sáng ra đi không đem tiền theo, đói quá, đã vào quán đổi con gà lấy bữa cơm.

Nghe xong, chị vợ anh nông phu đến quàng hai tay, ôm vai chồng và nói rằng, anh làm như thế là phải. Lấy của che thân, chứ đừng lấy thân che của. Ði cả ngày mệt nhọc đói khát, không ăn chịu sao nổi. Em đã để sẵn khăn, múc sẵn nước, anh đi tắm cho khỏe.  
  (Sưu tầm)



Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014



CHÚT TÌNH ẨN HIỆN

Mỗi độ thu tàn đón tiết đông,
Nghe se se lạnh thoảng qua lòng.
Khung trời kỉ niệm như còn đó,
Bóng dáng người xưa tựa có-không!
Ta tiễn Em từ chung rượu đắng,
Em sang sông bởi thiệp tin hồng...
Bóng ai thấp thoáng vừa sang cõi?
Như hiện trong lòng chút nhớ mong!


Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014



                                    Sự hào phóng đích thực

Khi cơn bão ập đến khu thị trấn nhỏ ở gần nhà tôi, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Ngay sau đó, các báo địa phương đều đăng tải những câu chuyện thương tâm về một số gia đình chịu hậu quả nặng nề nhất từ cơn bão.
Ngày chủ nhật nọ, một bức ảnh đập vào mắt tôi. Một phụ nữ trẻ đang đứng trước căn nhà lưu động đã bị bão phá huỷ, vẻ đau khổ hằn trên gương mặt chị. Một cậu bé chừng bảy, tám tuổi gì đó đứng cạnh, ánh mắt cúi xuống. Nắm chặt váy người mẹ là một bé gái nhìn chằm chằm vào máy ảnh, đôi mắt em mở rộng đầy lo lắng và hoảng sợ.
Bài báo kèm theo bức ảnh đó rất gần gũi với từng thành viên trong gia đình tôi. Bằng sự cảm thông sâu sắc, tôi nhận thấy gia đình họ có nhiều điểm tương đồng với gia đình mình. Đây sẽ là dịp phù hợp để dạy các con tôi về việc cần phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn chúng. Tôi buộc bức ảnh của gia đình đó lên chiếc tủ lạnh trong nhà và bắt đầu giải thích về cảnh ngộ của họ với hai đứa con sinh đôi lên bảy là Brad và Brett và cô con gái ba tuổi Meghan.
“Chúng ta thì có quá nhiều trong khi những người nghèo khổ này thì chẳng có gì”, tôi nói. “Chúng ta sẽ chia sẻ với họ những gì ta có”.
Tôi lấy trên gác mái xuống ba chiếc hộp lớn và đặt trên sàn nhà phòng khách. Meghan đứng nhìn nghiêm nghị khi các anh và mẹ chất đầy một hộp các loại hàng hoá đóng hộp, các loại thực phẩm không bị hỏng, xà phòng và nhiều vật dụng tắm giặt đủ loại khác.
Lúc tôi phân loại quần áo của cả nhà, tôi khuyến khích các con xem qua đống đồ chơi của chúng để đem tặng những thứ chúng không thích nữa, Meghan im lặng quan sát khi các anh chất đống những đồ chơi đã bỏ xó từ lâu.
“Mẹ sẽ giúp con tìm thứ gì đó cho cô bạn gái đó khi mẹ làm xong việc này”, tôi nói.
Hai con trai tôi bỏ tất cả số đồ chơi chúng đã chọn để cho đi vào một chiếc hộp trong khi tôi bỏ đống quần áo vào hộp thứ ba. Lúc đó bé Meghan bước tới, ôm sát ngực Lucy, con búp bê nhồi bằng giẻ rách nó rất yêu quý đã rách mòn, phai màu. Con bé đứng trước hộp đựng đồ chơi, áp sát khuôn mặt tròn bé bỏng vào mặt Lucy, hôn con búp bê lần cuối sau đó nhẹ nhàng đặt nó lên trên các món đồ chơi khác.
“Ồ, con yêu. Con không phải đem tặng Lucy đâu. Con yêu nó thế cơ mà”.
Meghan nghiêm nghị gật đầu, đôi mắt ầng ậc nước:
“Lucy làm cho con vui mẹ à, thế nên có thể nó cũng sẽ khiến cô bé kia được hạnh phúc”.
Nghẹn ứ trong cổ họng, tôi lặng nhìn Meghan một lúc lâu, tự hỏi làm sao tôi có thể dạy các con trai tôi bài học như con bé đã dạy cho tôi. Vì tôi chợt nhận ra ai cũng có thể cho đi những thứ họ không còn cần tới nữa. Sự hào phóng thực sự là có thể cho đi những gì bạn yêu thích nhất.
Lòng nhân từ chân thực là khi một đứa trẻ lên ba đem tài sản quý giá của nó dù chỉ là một con búp bê đã sờn cũ tặng cho một cô bé không quen với hy vọng con búp bê sẽ đem lại cho cô bé đó nhiều niềm vui như đã từng đem lại cho nó. Tôi đã muốn dạy bảo con nhưng rốt cuộc lại được chính con dạy lại.
Hai đứa anh trai đứng nhìn, miệng há to kinh ngạc khi thấy cô em gái đặt con búp bê yêu thích nhất vào trong hộp. Không nói lời nào, Brad đứng lên, bước vào phòng, sau đó trở ra, mang theo một nhân vật siêu nhân nó rất thích. Thoáng chút ngần ngại, Brad cầm lấy món đồ chơi, nhìn sang Meghan rồi đặt nó vào hộp, cạnh chỗ Lucy.
Một nụ cười chậm rãi rộng mở trên khuôn mặt Brett, sau đó nó đứng dậy, hai mắt lấp lánh khi tìm ra một vài chiếc ô tô làm bằng hộp diêm vốn là niềm tự hào của nó.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy hai cậu con trai cũng đã nhận ra ý nghĩa trong cử chỉ của bé Meghan. Nén vào lòng những giọt nước mắt xúc động, tôi giang tay ôm chặt cả ba đứa.
Bắt chước đứa con bé bỏng, tôi bỏ chiếc áo khoác màu nâu đã cũ có cổ tay áo bị sờn khỏi thùng quần áo và thay vào đó là chiếc áo khoác màu xanh vừa mua tuần trước. Tôi hy vọng người phụ nữ trong bức ảnh cũng sẽ thích nó như tôi.
Cho đi những gì ta không cần nữa thật dễ dàng nhưng phải tự nguyện rời bỏ những gì ta yêu thích thì thật vô cùng khó khăn, phải không nào? Tuy nhiên tinh thần đích thực của hành động cho đi ấy chính là đem tặng với cả trái tim từ chính bạn.
(Sưu tầm)




Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013





Vinh danh thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013



        LỜI CUỐI CHO MẸ
                     Nghiệp duyên hiện khởi hình hài,
Mẹ con gắn kết tháng ngày thế gian,
Sá gì khổ cực muôn ngàn,
Nụ cười Mẹ nở vô vàn yêu thương.
Dãi dầu một nắng hai sương,
Mấy mươi năm viết thành chương Mẹ hiền…
Bây chừ Mẹ đã qui tiên,
Đêm thầm gọi Mẹ hai miền trống không!
Nhớ về Mẹ gợn sóng lòng,
Vô thường là lẽ mất, còn xưa nay…
Bóng hình Mẹ đó, con đây,
Tử sanh chia cách cỏ cây cũng buồn!
Dẫu cho con Mẹ đóng tuồng :
Nghiệp-duyên-nhân-quả trên đường hóa thân…
Mẹ ơi! Hồn Mẹ xa, gần?
Hãy nghe con dặn một lần cuối đây:
“Thế gian khổ ải đong đầy,
Sá chi một thoáng vui vầy mà mong,
Nương câu kinh kệ thong dong,
Mẹ về BẾN GIÁC cho lòng thảnh thơi..."

                                              14-11-Quí Tỵ
                                              (16-12-2013)



Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013



NHŨNG DÒNG CẢM XÚC KHI VĨNH BIỆT MẸ 

Chúng sanh ngụp lặn giữa dòng sông,
Duyên nghiệp diễn tuồng vai ảo mộng.
Màn khép đâu còn con với mẹ,
Đời trôi vẫn đó có rồi không !
Về đâu há biết hồn xuôi ngược?
Chốn đến nào hay ý dị đồng !
Tử biệt nghe chừng bao xúc động !
Vô thường rõ biết tự an lòng. 


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Phỏng vấn Thượng Đế
   
Có một lần tôi mơ thấy được phỏng vấn Thượng Đế.
- Mời vào. Thượng Đế nói. Con muốn phỏng vấn Ta phải không?
- Nếu Ngài có thời giờ, thưa Ngài. Tôi đáp.
Thượng Đế mỉm cười nói:
- Thời giờ của Ta là vô tận đủ để làm tất cả mọi việc. Con có điều gì thắc mắc muốn hỏi Ta đây?
- Thưa Ngài, điều gì về nhân loại làm cho Ngài kinh ngạc nhất?
Thượng Đế đáp:
- Đó là họ chán làm trẻ thơ, vội vã để trưởng thành, và rồi lại khao khát được trở về thời thơ ấu.
- Họ đánh mất sức khỏe của họ cho việc kiếm tiền rồi tiêu dùng tiền bạc để hồi phục sức khỏe.
- Họ nghĩ nhiều tới tương lai mà quên đi hiện tại, để rồi chẳng sống ở hiện tại mà cũng chẳng ở tương lai.
- Họ sống như là họ sẽ không bao giờ chết, và họ chết như là họ chưa từng được sống.
Thượng Đế nắm tay tôi, và chúng tôi im lặng trong một khoảng khắc. Sau đó tôi hỏi:
- Khi làm cha mẹ, Ngài có những lời khuyên gì về cuộc sống mà Ngài muốn con cái của Ngài học hỏi?
Với nụ cười nở trên môi Ngài trả lời:
- Hãy nhớ rằng không bao giờ có thể bắt ai đó phải yêu mình. Chỉ có thể tự làm cho mình trở nên đáng yêu thôi.
- Học để biết rằng những gì giá trị nhất trên cõi đời này không phải là của cải vật chất chúng ta sở hữu mà là trong cuộc sống của chúng ta có những ai.
- Học để biết rằng đừng nên so sánh bản thân chúng ta với người khác, vì tất cả mọi người sẽ được phán đoán riêng rẽ dựa trên nhân cách của chính họ.
- Học để biết rằng một người giàu có không phải là người có tất cả, mà chỉ là người cần tối thiểu mà thôi.
- Học để biết rằng chúng ta chỉ mất vài giây để khơi dậy vết đau trong lòng của những người khác, nhưng sẽ mất rất nhiều năm để hàn gắn.
- Học để biết tha thứ bằng cách thực hành hạnh khoan dung.
- Học để biết rằng có những người thương yêu chúng ta tha thiết, nhưng lại không biết làm cách nào để biểu lộ hay bày tỏ những cảm tình của họ.
- Học để biết rằng tiền bạc có thể mua được mọi thứ, nhưng không mua được hạnh phúc.
- Học để biết rằng hai người có thể cùng nhìn vào một vật nhưng lại thấy hoàn toàn khác nhau.
- Học để biết rằng tha thứ cho người khác là chưa đủ mà còn phải biết tự thứ tha cho mình.
Tôi ngồi đó trong một phút giây để hưởng thụ giờ khắc quý báu đó, rồi tiếp:
- Cám ơn thời giờ và mọi việc mà Ngài đã dành cho con.
Ngài đáp:
- Bất cứ giờ phút nào Ta cũng ở đây, các con chỉ cần gọi thì Ta sẽ lập tức trả lời.
(Sưu tầm)

  •  

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013



 Tâm sự kẻ đưa đò 

                  
                     Tôi-kẻ lái đò chở bao con chữ:
Chữ toán, chữ văn cả chữ nghĩa tình…
Nơi em đến chứa trăm nghìn háo hức,
Bến tôi đưa vượt tri thức hai bờ.
Mỗi chuyến đò ngang, em thêm một tuổi,
Nhìn tóc mình bụi phấn hóa thời gian…!
Cũng có lúc trên dặm đàng thiên lí,
Ta gặp nhau dường ý chẳng quen nhau,
Em có biết lòng tôi đau câm nín?
Bởi tình đời vẫn toan tính thiệt hơn.
Cũng có lúc chút nghĩa ơn còn đọng,
Trò ghé thăm, thầy cảm động ấm lòng…!
Bao thăng trầm trải qua theo nhịp sống
Mỗi chuyến đò ngang sang sông bỏ lại
Tiếng đưa đò vọng mãi với thời gian…
Cả hân hoan,lẫn bẽ bàng,
Tóc xanh nhìn lại ngỡ ngàng: bạc thưa!
Mai này về lại chốn xưa,
Trò ơi? Nghĩa cũ - Nắng mưa có còn ?
Đời trôi như thể dòng sông…
Bến xưa vẫn đọng chút lòng của tôi.
Nhìn em từng lớp vào đời,
                       Tôi nghe nở nụ trên môi tình người…                                                                             
                                                             
 Kỷ niệm Ngày Nhà Giáo VN-2013





Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Xin mời các bạn đọc thư giãn 5 phút :

Dấu phẩy

Phiên tòa xử vụ ly dị, tòa phán với ông chồng:
- Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ.
Ông chồng về nhà đưa bản án cho bà vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:
- Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ.

Có người hỏi nhà văn Oscar Wilde (1856 - 1900) sao ông thường có vẻ đăm chiêu. Nhà văn Anh này đáp: "Sáng nay tôi đã bỏ quên một dấu phẩy trong một bài thơ. Chiều nay tôi phải lấy lại".
Sai một phẩy, nhảy ngàn dặm

Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “Woman without her man is nothing”. Bọn con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (Đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả). Bọn con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (Phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).

Một phụ nữ Mỹ đi du lịch ở châu Âu gửi điện về cho chồng: “Có một chiếc xuyến đẹp mê hồn, giá 75 đô. Em mua được không?” Anh chồng lập tức trả lời: “No, price too high!” (Không, giá quá cao). Nhưng nhân viên điện tín mắc một sai lầm nhỏ đã bỏ qua dấu phẩy và thành: “No price too high” (không giá nào là quá cao). Được lời như cởi tấm lòng, cô vợ mua ngay chiếc xuyến. Khi về Mỹ, cô vợ khoe chiếc xuyến làm người chồng choáng váng. Người chồng đem vụ “bỏ sót dấu phẩy” này ra toà và thắng kiện. Từ đây, các hãng điện tín đòi hỏi nhân viên phải đánh vần dấu câu trong bức điện chứ không dùng ký hiệu. Nghĩa là phải viết “No comma price too high” (không phẩy giá cao quá).

Dấu phẩy đôi khi có giá đến nửa triệu đô. Năm 1870, trong danh sách các mặt hàng được miễn thuế vào Mỹ, lẽ ra là câu “Tropical fruit-plants for the purpose of propagation” (các cây nhiệt đới ăn trái nhằm mục đích nhân giống) thì người ta đánh nhầm dấu nối thành dấu phẩy, thành “Tropical fruit, plants for the purpose of propagation” (trái cây nhiệt đới, cây nhằm mục đích nhân giống). Thế là toàn bộ các loại trái cây nhiệt đới được nhập miễn thuế vào Mỹ. Tới khi người ta phát hiện ra sai sót chết người này, đã mất khoảng 500.000 USD tiền thuế không đòi lại được!

Được yêu, được sống nhờ dấu phẩy.
Ông bố nọ muốn lấy tên nhà thơ La Mã vĩ đại Virgile đặt cho con trai mình. Khốn nỗi, ông lúng túng viết nhầm thành Virgule, tiếng Pháp có nghĩa là dấu phẩy. Anh chàng lớn lên cũng khẳng khiu như dấu phẩy, không thành nhà thơ mà vào làm bưu điện. Anh thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm Sophie. Cô gái này lại yêu chàng trai không yêu cô. Bao nhiêu thư gửi đi mà không nhận được hồi đáp. Rồi một hôm cô quyết định ra bưu điện gửi bức điện (chứ không viết thư nữa) cho chàng trai nọ.
– Tôi muốn gửi một bức điện – cô buồn rầu nói, mắt không nhìn Virgule, nhân viên bưu điện.
– Cô vui lòng đọc nội dung – Virgule cầm bút cảm động lắp bắp nói.
– “Je t’aime, virgule, Je t’adore, virgule, Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi, point” (Em yêu anh, phẩy, em thương anh, phẩy, em muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em, chấm).
Anh chàng Virgule không cho virgule là dấu phẩy mà hiểu đó là tên mình: Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule… Anh chàng bưu điện yêu cầu cô gái nhắc lại. Sophie làm theo: “Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…” Mắt anh ta sáng lên. Sophie nhận ra anh chàng này đáng yêu làm sao. Và họ đến với nhau.

Còn đây là giai thoại về hoàng đế Alexandre Đệ Tam (Nga) (qua tiếng Anh): từ chối ân xá cho một phạm nhân, ông đọc “Pardon impossible, to be sent to Siberia” (Không thể ân xá, đày đi Siberia). Vợ ông là Dagmar (cháu gái vua Đan Mạch Christian IX) là một người vô tâm, nên đã đánh nhầm chỗ dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” (Ân xá, không thể đày đi Siberia). Thế là người tù này thoát tội. 
                                                                       
( Sưu tầm)



Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

         Nửa vời


Đáng sợ nhất là sự nửa vời
Khi tất cả trong ta phải là nguyên vẹn
Nửa vời khi yêu, nửa vời ước hẹn
Tình yêu đổi màu ước hẹn đơn sai.

Chân lý nửa vời sớm một chiều hai
Sự thật nửa vời chẳng ai thấu tỏ 
Căm giận nửa vời phòng khi sóng gió 
Quyết tâm nửa vời đời dễ tiến - lui

Nửa vời đúng - Nửa vời sai
Nửa vời trắng đen, nửa vời thù hận 
Trời đã sinh ra... trái tim nguyên vẹn
Có thể nào... chỉ sống nửa vời thôi?
                                          (Sưu tầm)


Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

HAI KHUÔN MẶT TRÊN MỘT CON NGƯỜI

Có một họa sĩ muốn tạo ra một bứa tranh thực sự tuyệt vời có thể tỏa ra sự thiêng liêng, một bức tranh về một gương mặt có ánh mắt tỏa ra sự bình yên vô hạn. Anh lên đường để tìm kiếm một người nào đó có gương mặt vượt ra khỏi giới hạn của đời sống này, một cái gì đó siêu việt.

Anh lang thang khắp đất nước, hết làng này đến làng nọ, hết cánh rừng này đến cánh rừng khác nhắm tìm một người như thế. Cuối cùng anh gặp một người chăn cừu trên núi có sự ngây thơ trong trắng trong đôi mắt sáng và gương mặt thanh tú với nét siêu linh. Chỉ cần liếc nhìn anh cũng đủ để tin rằng Thượng đế tiềm ẩn nơi nhân loại.

Người họa sĩ vẽ một bức họa về người chăn cừu trẻ tuổi này. Hàng triệu bản sao của bức họa này đã được bán sạch, thậm chí ngay cả ở những chốn xa xôi. Mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có thể ngắm bức họa này hàng ngày.

Hai mươi năm sau, người họa sĩ đã già, một ý tưởng khác chợt nảy ra trong tâm trí ông. Theo kinh nghiệm sống của ông, nhân loại không hoàn toàn ngoan đạo; ma quỷ vẫn tồn tại trong họ. Ý tưởng này làm nảy sinh dự định vẽ một bức tranh nhằm phản ánh hình ảnh ma qủy trong con người. Hai bức họa này, ông nghĩ, sẽ bù trừ cho nhau, đại diện cho toàn nhân loại.

Ở tuổi già, ông lại lên đường tìm kiếm. Lần này ông muốn tìm một người có “khuôn mặt” ma quỷ. Ông đến các khu nhà ổ chuột, các quán rượu, các nhà thương điên. Người này cần phải có ngọn lửa của địa ngục; gương mặt của anh ta phải thể hiện được nét tàn bạo, xấu xí. Ông tìm kiếm hình ảnh của tội lỗi. Trước đây ông đã vẽ nên hình ảnh về sự hóa thân của loài quỷ dữ.

Sau khi tìm kiếm thật lâu, cuối cùng ông tìm được một tù nhân. Người tù này phạm bảy tội giết người và bị kết án treo cổ trong vài ngày tới. Ngọn lửa địa ngục đang bùng cháy trong mắt hắn; hắn trong giống như hiện thân của tội ác. Gương mặt của hắn là gương mặt xấu xí nhất mà bạn có thể hình dung ra. Người họa sĩ bắt đầu vẽ hắn.

Khi ông hoàn tất bức họa, ông mang bức họa trước đây ra đặt bên cạnh để đối chiếu. Nhìn từ góc độ nghệ thuật thì thật khó có thể xác định được bức họa nào tốt hơn bức họa nào; cả hai đều là kiệt tác. Người họa sĩ đứng đó, mắt nhìn trừng trừng vào hai bức họa. Chợt ông nghe thấy tiếng khóc thút thít. Ông quay lại và trông thấy người tù bị xiềng xích đang khóc nức nở. Người họa sĩ vô cùng bối rối. Ông hỏi:

“Này chàng trai, tại sao anh lại khóc? Hai bức tranh này khiến anh buồn sao?”

Người tù đáp:

“Tôi vẫn luôn cố gắng che đậy một điều trước mặt ông, nhưng hôm nay tôi không thể giấu diếm được nữa. Bức họa thứ nhất cũng là bức họa về tôi. Cả hai bức tranh này đều vẽ khuôn mặt của tôi. Tôi chính là người chăn cừu mà ông đã gặp cách đây hai mươi năm trên ngọn đồi kia. Tôi khóc vì sự suy vong của mình trong suốt hai mươi năm qua. Tôi đã rơi xuống địa ngục, từ thiên đàng xuống địa ngục.”

 ( SƯU TẦM)


Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013


Thu sang
Em về từ độ lá vàng phai
Loáng thoáng xiêm y nhẹ gót hài
Xao xác rừng thiêng mờ bóng nhạn
Ngác ngơ vườn mộng vắng hồn nai.
Trăng mơn thạch thao, tình đôi cụm
Sương tỏa Hương Giang, lạnh sáu vài
Rượu ướp hương thu- mời viễn khách
Chén thù, chén tạc- chuyện trần ai !
        
                                                Thu 2013
                                               Dạ Vũ - Nguyên Minh.

    Họa:
TỰ TẠI

Xin hỏi tình nào tình chẳng phai,
Và ai sống mãi cái hình hài?
Sao không bay lượn như chim bướm,
Sao chẳng vui đùa tựa thỏ nai?
Đuổi mộng trăm năm nào đặng một,
Rắp tâm trọn kiếp há thêm vài!
Ta từ kết bạn cùng trăng gió,
Một cõi an lành-biết nói ai…

                                   Người Nguyên Thủy




Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng TTrong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”


Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013


Thu ghẹo tình

Thu về len lén lá vàng rơi,
Cung Quảng Hằng nga nhoẻn miệng cười.
Em đến ru hồn đêm nguyệt mộng,
Ta còn giỡn sóng biển trần chơi,
Ngắm vườn hoa đốm hư không nở,
Dự tiệc phối hôn nhân quả mời.
Muôn sắc trùng  trùng duyên khởi hiện,
 Cùng thu thỏ thẻ ghẹo tình tôi



----------------------------

  Bài họa :                   trăng thu
Lung linh vàng lụa lập lờ rơi
Nụ ngọt, trăng,nghiêng,chum chím cười.
Lữ khách chồn chân hai bến lạc
Tha nhân đắm đuối sáu đường chơi!
Gật gù gối phụng câu thơ tặng
Túy lúy rèm loan chén rượu mời.
Ngan ngát hương nguyền đêm nguyệt rạng
Tròn thu,trong lặng - một tình tôi.

                                                    Trung thu 2013
                                                   Dạ Vũ Nguyên Minh