HÃY TỈNH THỨC

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

HAI KHUÔN MẶT TRÊN MỘT CON NGƯỜI

Có một họa sĩ muốn tạo ra một bứa tranh thực sự tuyệt vời có thể tỏa ra sự thiêng liêng, một bức tranh về một gương mặt có ánh mắt tỏa ra sự bình yên vô hạn. Anh lên đường để tìm kiếm một người nào đó có gương mặt vượt ra khỏi giới hạn của đời sống này, một cái gì đó siêu việt.

Anh lang thang khắp đất nước, hết làng này đến làng nọ, hết cánh rừng này đến cánh rừng khác nhắm tìm một người như thế. Cuối cùng anh gặp một người chăn cừu trên núi có sự ngây thơ trong trắng trong đôi mắt sáng và gương mặt thanh tú với nét siêu linh. Chỉ cần liếc nhìn anh cũng đủ để tin rằng Thượng đế tiềm ẩn nơi nhân loại.

Người họa sĩ vẽ một bức họa về người chăn cừu trẻ tuổi này. Hàng triệu bản sao của bức họa này đã được bán sạch, thậm chí ngay cả ở những chốn xa xôi. Mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có thể ngắm bức họa này hàng ngày.

Hai mươi năm sau, người họa sĩ đã già, một ý tưởng khác chợt nảy ra trong tâm trí ông. Theo kinh nghiệm sống của ông, nhân loại không hoàn toàn ngoan đạo; ma quỷ vẫn tồn tại trong họ. Ý tưởng này làm nảy sinh dự định vẽ một bức tranh nhằm phản ánh hình ảnh ma qủy trong con người. Hai bức họa này, ông nghĩ, sẽ bù trừ cho nhau, đại diện cho toàn nhân loại.

Ở tuổi già, ông lại lên đường tìm kiếm. Lần này ông muốn tìm một người có “khuôn mặt” ma quỷ. Ông đến các khu nhà ổ chuột, các quán rượu, các nhà thương điên. Người này cần phải có ngọn lửa của địa ngục; gương mặt của anh ta phải thể hiện được nét tàn bạo, xấu xí. Ông tìm kiếm hình ảnh của tội lỗi. Trước đây ông đã vẽ nên hình ảnh về sự hóa thân của loài quỷ dữ.

Sau khi tìm kiếm thật lâu, cuối cùng ông tìm được một tù nhân. Người tù này phạm bảy tội giết người và bị kết án treo cổ trong vài ngày tới. Ngọn lửa địa ngục đang bùng cháy trong mắt hắn; hắn trong giống như hiện thân của tội ác. Gương mặt của hắn là gương mặt xấu xí nhất mà bạn có thể hình dung ra. Người họa sĩ bắt đầu vẽ hắn.

Khi ông hoàn tất bức họa, ông mang bức họa trước đây ra đặt bên cạnh để đối chiếu. Nhìn từ góc độ nghệ thuật thì thật khó có thể xác định được bức họa nào tốt hơn bức họa nào; cả hai đều là kiệt tác. Người họa sĩ đứng đó, mắt nhìn trừng trừng vào hai bức họa. Chợt ông nghe thấy tiếng khóc thút thít. Ông quay lại và trông thấy người tù bị xiềng xích đang khóc nức nở. Người họa sĩ vô cùng bối rối. Ông hỏi:

“Này chàng trai, tại sao anh lại khóc? Hai bức tranh này khiến anh buồn sao?”

Người tù đáp:

“Tôi vẫn luôn cố gắng che đậy một điều trước mặt ông, nhưng hôm nay tôi không thể giấu diếm được nữa. Bức họa thứ nhất cũng là bức họa về tôi. Cả hai bức tranh này đều vẽ khuôn mặt của tôi. Tôi chính là người chăn cừu mà ông đã gặp cách đây hai mươi năm trên ngọn đồi kia. Tôi khóc vì sự suy vong của mình trong suốt hai mươi năm qua. Tôi đã rơi xuống địa ngục, từ thiên đàng xuống địa ngục.”

 ( SƯU TẦM)


Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013


Thu sang
Em về từ độ lá vàng phai
Loáng thoáng xiêm y nhẹ gót hài
Xao xác rừng thiêng mờ bóng nhạn
Ngác ngơ vườn mộng vắng hồn nai.
Trăng mơn thạch thao, tình đôi cụm
Sương tỏa Hương Giang, lạnh sáu vài
Rượu ướp hương thu- mời viễn khách
Chén thù, chén tạc- chuyện trần ai !
        
                                                Thu 2013
                                               Dạ Vũ - Nguyên Minh.

    Họa:
TỰ TẠI

Xin hỏi tình nào tình chẳng phai,
Và ai sống mãi cái hình hài?
Sao không bay lượn như chim bướm,
Sao chẳng vui đùa tựa thỏ nai?
Đuổi mộng trăm năm nào đặng một,
Rắp tâm trọn kiếp há thêm vài!
Ta từ kết bạn cùng trăng gió,
Một cõi an lành-biết nói ai…

                                   Người Nguyên Thủy




Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng TTrong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”